Quyết chí hoàn lương, tái hoà nhập cộng đồng - Bài 2: Luôn có con đường phía trước

30/08/2024
Trên thực tế, ngoài việc phải vượt qua mặc cảm, định kiến của xã hội, các trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về với cuộc sống đời thường thiếu rất nhiều điều kiện để có thể tiếp tục cuộc sống. Không có việc làm, không có kĩ năng nghề nghiệp, thậm chí có người không có cả đất đai, nhà cửa. Tuy nhiên, “nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”, vẫn có rất nhiều tấm gương vươn lên vượt ra khỏi quá khứ tăm tối từ trợ lực của gia đình, cộng đồng, xã hội.

Sức bật từ nguồn vốn chính sách

Chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Trung Thành, ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước giữa lúc anh đang tất bật với công việc của một nông dân “chính hiệu”. Hơn 2 năm quay lại với cuộc sống đời thường, Thành giờ đã là thanh niên điển hình tiên tiến của xã với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao. Nhớ lại những ng ày đầu khi mới trở về với cuộc sống đời thường, Thành vẫn không khỏi ngậm ngùi, “ngày mới ra tù khó khăn bủa vây. Thậm chí, nhiều lúc mình cảm thấy cuộc sống vô cùng bế tắc khi không biết phải làm gì để có thể lo cho gia đình. Nhưng mình quyết tâm phải làm lại cuộc đời vì còn bố mẹ già, con nhỏ”. Mỗi ngày bình tâm suy nghĩ, quyết tâm lại càng lớn, Thành quyết định một mình dọn vào rẫy, hạn chế giao du với bạn bè cũ và cũng để cách xa cám dỗ, chuyên tâm làm lại cuộc đời. “Nhiều đêm nằm một mình trong chòi, mối mọt rớt lên đầu, cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Nhưng sáng ra khi ngày mới bắt đầu mình lại tiếp tục làm việc”, Thành tâm sự về những ngày mới bắt đầu.

Mô hình chăn nuôi dê ngoại nhập của anh Nguyễn Trung Thành, xã Long Hà, huyện Phú Riềng.
Mô hình chăn nuôi dê ngoại nhập của anh Nguyễn Trung Thành, xã Long Hà, huyện Phú Riềng.


Trong những lúc khó khăn như vậy, điều mà Thành không ngờ đến nhất là sự giúp đỡ của lực lượng công an, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể. “Ổn định công việc nương rẫy, mình bắt đầu tính đến chuyện xa hơn là đầu tư vào chăn nuôi. Nhưng tiền ở đâu?”. Câu hỏi của Thành ngay lập tức nhận được câu trả lời. “Mình đến tìm sự trợ giúp của chính quyền nhưng không kì vọng gì nhiều. Vậy mà ngược lại, sự đồng hành của cộng đồng xã hội vượt xa sự trông đợi của mình. Bất kì đề nghị được trợ giúp nào của mình cũng đều nhận được lời hồi đáp với sự giúp đỡ nhiệt tình từ lực lượng công an và chính quyền địa phương. Mình được ưu tiên rất nhiều trong việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế. Chỉ cần mình có đề xuất thì từ xã đến huyện đều tìm mọi cách để có nguồn vốn giúp đỡ mình. Mình luôn thấy biết ơn vì điều đó bởi mình không hề đơn độc, không hề bị bỏ lại phía sau”, anh Thành nói.

Sử dụng hiệu quả 120 triệu đồng nguồn vốn được vay, anh Thành mua con giống chăn nuôi, tôn tạo lại chuồng trại. Lợi nhuận từ mô hình này, anh Thành tích cóp để phát triển thêm mô hình khác, vừa là đam mê nhưng cũng vừa tạo nên sự đa dạng trong chăn nuôi. “Quan trọng nhất là quyết tâm của mình, thứ hai là động lực của xã hội, gia đình. Hướng đi đúng thì mình sẽ phát triển được, mình mới tái hoà nhập cộng đồng theo hướng tích cực”. Vừa nói anh Thành vừa thoăn thoắt ôm mớ cỏ to hơn người đến khu vực chuồng chuẩn bị cho dê ăn. Trong chuồng, lứa dê giống mới được xuất bán. Số còn lại đang được anh Thành chăm sóc cẩn thận chuẩn bị cho đợt xuất bán tiếp theo.Mỗi một cánh tay vươn ra giúp sức lại khiến cho Thành càng có thêm động lực bước ra khỏi quá khứ tăm tối và kì vọng nhiều hơn ở tương lai. Anh chăn nuôi gà, bán hết lứa gà lại chăm sóc đàn dê rồi lại chuẩn bị đào ao thả cá.

Công việc luôn tay luôn chân nhưng lại là niềm hạnh phúc của một con người hoàn lương bởi đã có thể lo được cho gia đình từ chính bàn tay và sức lao động chân chính của mình. Hơn 4 năm tù giam vì tội giết người, quá khứ lầm lỗi đã ở lại phía sau, Thành tiếp tục dìu dắt những người đã từng lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời. “Mình đang hỗ trợ 2 bạn cũng là thanh niên tái hoà nhập cộng đồng để giúp đỡ anh em có thêm thu nhập và không quay lại đường cũ”, anh Thành nhấn mạnh.

Đồng hành là trợ lực

Đến thị xã Bình Long, khi chúng tôi hỏi thăm về tấm gương cá nhân điển hình trong tái hoà nhập cộng đồng, Đại uý Trần Minh Bá, Trưởng Công an phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long nhanh nhảu nói với chúng tôi, “để tôi thay thường phục rồi chúng ta cùng đi. Bây giờ bạn này làm ăn buôn bán cũng được lắm. Mình mặc thường phục đến để không gây chú ý, ảnh hưởng công việc của người ta”. Đại uý Trần Minh Bá đưa chúng tôi đến khu vực buôn bán trái cây của anh Nguyễn Anh Hiền, đối tượng tái hoà nhập cộng đồng thuộc sự quản lý của Công an phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long. Hiền đang vui vẻ chào mời khách hàng, “Không phải em bán mắc đâu…Em bán đây là rẻ nhất xã Lộc Hưng này rồi”, Hiền vừa trò chuyện vừa thành thục cân trái dưa hấu rồi đưa cho khách. Trên chiếc xe tải nhỏ, đủ loại trái cây được bày bán. “Năm nay trái cây bán không được bằng so với năm ngoái. Nhưng mà tình hình chung thôi. Bán được nhiều thì mình lời nhiều hơn. Còn bán ít thì lời ít lại chút”, Hiền trả lời khi được Đại uý Trần Minh Bá hỏi thăm về tình hình buôn bán. Cuộc nói chuyện giữa Đại uý Trần Minh Bá và Hiền thân tình như 2 người bạn. Nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện dài.

Anh Nguyễn Anh Hiền, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long ổn định cuộc sống từ chiếc xe tải bán trái cây lưu động.
Anh Nguyễn Anh Hiền, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long ổn định cuộc sống từ chiếc xe tải bán trái cây lưu động.


Ít ai biết rằng, chiếc xe tải nhỏ bán trái cây này được bắt nguồn từ 50 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội. Đều đặn mỗi ngày, Nguyễn Anh Hiền dậy từ lúc 2h sáng để đi lấy trái cây về buôn bán. Công việc dù vất vả nhưng có thu nhập ổn định, đủ để Hiền trang trải cuộc sống gia đình. Hiền là đối tượng từng có 4 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Thế nhưng, phải đến lần phạm tội thứ 4, sau khi chấp hành án trở về, nhờ đến sự giúp đỡ của lực lượng chức năng, Hiền mới tìm được con đường đúng đắn cho mình. “Khi bị bắt lần thứ 4, anh Bá có nói với tôi là khi nào thi hành án xong cứ tìm gặp anh, anh sẽ tìm cách giúp đỡ. Chứ đừng tiếp tục phạm tội nữa. Nhớ những lời nói đó của anh Bá, khi ra rù, tôi có đến gặp, anh Bá bảo tôi về suy nghĩ xem làm gì, cần số vốn bao nhiêu anh sẽ cố gắng giúp”, Hiền kể lại. Lần thứ 2 quay lại gặp Đại uý Trần Minh Bá, Hiền mang theo ý định sẽ mở sạp kinh doanh buôn bán trái cây và được Đại uý Trần Minh Bá đồng tình, tư vấn. Cứ như vậy, từ sạp buôn bán cố định, Hiền từ từ phát triển và mua một chiếc xe tải nhỏ buôn bán lưu động từ xã này sang xã khác. “Hành trình của tôi vốn chỉ là con số không, nhưng có sự trợ giúp của chính quyền, của lực lượng chức năng giờ đã có thêm nhiều hi vọng. Tôi có công việc dù vất vả một chút nhưng thoải mái tư tưởng, đầu óc. Công việc giúp tôi không nghĩ về sự bồng bột trước kia, không còn nghĩ đến việc phạm tội nữa”, Hiền nói.

Đại uý Trần Minh Bá, Trưởng Công an phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long cho biết thêm, “những năm qua, UBND thị xã Bình Long luôn quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt để nhằm quản lý tốt những trường hợp chấp hành xong án phạt tù, những người sau cai nghiện trên địa bàn. Ngoài việc duy trì hiệu quả các mô hình tái hoà nhập cộng đồng, UBND thị xã còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để lắng nghe ý kiến, những tâm tư, nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để từ đó có những giải pháp triển khai hỗ trợ hiệu quả bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vốn vay từ nguồn Ngân hàng chính sách xã hội hoặc tư vấn việc làm, giúp các đối tượng có cơ hội tìm ra ngành nghề phù hợp.”.
 

Thảo Sinh - Nguyễn Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website