Bình yên quê hương đất Quảng - có chúng tôi Công an xã chính quy - Kỳ 5: Biên giới không xa

01/02/2024
Thực hiện chủ trương của Bộ Công an tăng cường lực lượng cho các xã trọng điểm miền núi biên giới, tháng 10/2021, Công an tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận và bố trí công tác đối với 13 cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Trường Công an nhân dân đến nhận nhiệm vụ tại các xã biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. 2 năm qua, những cán bộ, chiến sĩ Công an từ nhiều miền của Tổ quốc tăng cường về các xã vùng biên của Quảng Nam đã gắn bó, trở thành những người con của bản, làng nơi đây.

 Giữ cho bản làng xanh

Thượng úy Hà Văn Tuấn sinh năm 1987, sống tại Thủ đô Hà Nội, nguyên là giảng viên Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại Hà Nội, là 1 trong 13 cán bộ được Bộ Công an điều động về công tác tại các xã biên giới của tỉnh Quảng Nam. Được bố trí công tác ở xã biên giới Ch’ơm, một trong những địa bàn xa xôi nhất của huyện miền núi Tây Giang, 02 năm qua, Thượng úy Hà Văn Tuấn đã phát huy sở trường chuyên môn của một giảng viên Đại học Phòng cháy chữa cháy để cùng cán bộ, chiến sĩ Công an xã Ch’ơm có những cách làm cụ thể góp phần làm đổi thay đời sống của đồng bào Cơ Tu ở tất cả 7 thôn, làng trên vùng núi cao này. 

Thượng úy Hà Văn Tuấn hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy.
Thượng úy Hà Văn Tuấn hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy.


Với đặc thù của đồng bào ở các bản, làng xã Ch’ơm còn nhiều thiếu thốn nên việc hướng dẫn cho bà con về công tác PCCC gặp nhiều khó khăn. Đa phần bà con còn bỡ ngỡ với việc PCCC, chính vì vậy, Thượng úy Tuấn đã cùng cán bộ, chiến sĩ Công an xã triển khai các biện pháp linh hoạt, phù hợp với đặc thù của địa phương. Để bà con nắm, biết, nhận diện nguy cơ cháy nổ tại gia đình và biết biện pháp PCCC, anh và cán bộ Công an xã đã đến từng thôn bản, từng cụm dân cư, thậm chí từng gia đình để chỉ dẫn, tuyên truyền cặn kẽ cho bà con về các nguy cơ cháy, cách sử dụng bình chữa cháy, các trang thiết bị, vật dụng để dập tắt đám cháy. Và quan trọng nhất là hướng dẫn cho bà con thực hành các thao tác chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc thù của nơi đây.

Thượng úy Hà Văn Tuấn chia sẻ: “Ban đầu cho bà con tiếp cận với đám cháy giả định thì bà con rất sợ, và bà con chưa sử dụng các phương tiện chữa cháy bao giờ nên rất bỡ ngỡ, nhưng khi được hướng dẫn, động viên thì họ đã bình tĩnh xử lý hết tất cả các tình huống. Đấy cũng là mục tiêu bản thân tôi và cán bộ, chiến sĩ Công an xã mong muốn”.

Thượng úy Hà Văn Tuấn đến tận nhà dân tuyên truyền PCCC.
Thượng úy Hà Văn Tuấn đến tận nhà dân tuyên truyền PCCC.


Chính nhờ việc tuyên truyền, hướng dẫn của Công an xã, những ngôi nhà, những cánh rừng tại địa phương mới có thể được bảo vệ khi bà con biết phải làm thế nào với từng tình huống cụ thể. Anh Bling Đang, thôn D’hung, xã Ch’ơm vui vẻ nói: “nhờ anh Tuấn và cán bộ Công an xã chỉ dẫn nên bản thân đã hiểu được cách sử dụng bình chữa cháy và qua quá trình thực hành, thấy quá tuyệt vời và không còn cảm giác sợ khi dập tắt ngọn lửa”.

Với sự nỗ lực trong công tác PCCC ở cơ sở của Công an xã, đặc biệt là Thượng úy Hà Văn Tuấn, mặc dù là xã biên giới xa xôi, khó khăn nhưng Ch’ơm là nơi đầu tiên thực hiện mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn huyện Tây Giang. Mô hình thôn an toàn phòng cháy với 100% hộ gia đình được trang bị bình chữa cháy cũng đã được triển khai. Anh Alăng Lơ, Trưởng thôn Achoong, xã Ch’ơm cho biết: “Hiện nay thôn có trang bị 29 bình PCCC, mỗi nhà có 1 bình. Nhờ sự hướng dẫn của Công an xã, bà con ai cũng có kiến thức sử dụng bình PCCC. Năm 2022 vừa qua, có một nhà không may bị hỏa hoạn, nhờ các hộ gia đình và bà con nhà bên cạnh kịp thời phát hiện và dùng bình chữa cháy đã kịp thời dập tắt đám cháy”.

Tròn 2 năm về Ch’ơm, anh đã có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ với vùng đất biên giới, nơi anh dành trọn công sức, tâm huyết với những bà con Cơ tu nơi đây.

Thượng úy Hà Văn Tuấn tâm sự: “Tôi cũng đã dành rất nhiều tâm huyết và tình cảm, muốn cống hiến sức trẻ cho sự phát triển của xã Ch’ơm. 02 năm công tác tại xã Ch’ơm, đây cũng là một khoảng thời gian đẹp với những khoảnh khắc đẹp. Ở đây tôi có sự đùm bọc yêu thương của bà con đồng bào”.

Vùng đất Ch’ơm mỗi ngày trôi qua vẫn giữ được sự bình yên xanh tươi trên các bản làng. Một nếp nghĩ, nếp làm mới trong việc bảo vệ an ninh đời sống, trong đó có công tác PCCC của bà con cũng đã được hình thành. Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất của Thượng úy Hà Văn Tuấn khi anh thấy hành trình về vùng biên giới xa xôi, cách trở này trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Người con của bản làng

Dốc núi Gari phía Tây dãy Trường Sơn, hai năm qua đã trở thành con đường quen thuộc với Đại uý Tống Văn Ân, nguyên cán bộ Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an được điều động về công tác tại vùng cao biên giới xã Gari huyện Tây Giang. Từng được điều động lên công tác ở vùng Tây Nguyên, thế nhưng khi nhận nhiệm vụ ở vùng biên giới Việt - Lào này, anh vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi những con đường quanh co, hiểm trở. Đại uý Tống Văn Ân bộc bạch: “Tôi được sinh ra ở Ninh Bình, một vùng đồng bằng sông Hồng, cảm giác lần đầu tiên đến đây thì đi xe rất là sợ, do cứ đi một bên là núi, một bên là vực”. 

Đài úy Tống Văn Ân hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử.
Đài úy Tống Văn Ân hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử.


Xã Gari nằm ở độ cao 1.300m so với mực nước biển, là địa bàn khó khăn nhất ở huyện Tây Giang, đồng bào dân tộc Cơ tu chiếm 95% dân số. Những năm trước, để làm được các giấy tờ tùy thân, bà con nơi đây phải trải qua chặng đường cực nhọc mới về đến được trung tâm huyện. Về đây công tác, với chuyên môn của một cán bộ xuất nhập cảnh, Đại úy Ân nhanh chóng nắm bắt tình hình vùng biên, hỗ trợ người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính xuất, nhập cảnh khu vực biên giới. Anh cũng là người đề ra các giải pháp về quản lý con người, ngăn ngừa tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép. 

Tại khu vực biên giới xã Gari, một số người dân Lào đến làm ăn mua bán, đã ở lại định cư tại địa phương, trường hợp anh Nuôi Chăn là một ví dụ, anh kết hôn với chị Tâm Vôn Thị Nhin, người đồng bào Cơ Tu và chính thức nhập Quốc tịch Việt Nam vào năm 2019, tuy nhiên việc thực hiện các thủ tục hành chính của cá nhân như căn cước công dân còn khó khăn. Khi xuống địa bàn cơ sở tại thôn Glao, Đại uý Tống Văn Ân đã tư vấn, hỗ trợ gia đình anh trong việc giải quyết một số thủ tục, giấy tờ để thuận lợi trong quá trình sinh hoạt, lao động. Đồng thời, cũng nắm bắt thông tin về cộng đồng người Lào làm ăn sinh sống tại đây. 

Đại uý Hốih Đưu, Trưởng Công an xã Gari cho biết: “Với thế mạnh là một người từng công tác trên lĩnh vực xuất, nhập cảnh, đồng chí Ân đã rất tích cực trong công tác tham mưu, nắm danh sách, quản lý, theo dõi các đối tượng từ nước bạn Lào sang, thành công nhất là mọi thông tin vùng biên đều được bà con nhân dân phản ánh, cung cấp cho Công an xã để góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.

Đài úy Tống Văn Ân hướng dẫn người dân làm thủ tục thông hành biên giới.
Đài úy Tống Văn Ân hướng dẫn người dân làm thủ tục thông hành biên giới.


Không những thế, qua thời gian cùng ăn, cùng ở, cùng làm tại địa bàn xã biên giới Gari, thấu hiểu những khó khăn vất vả của bà con địa phương trong việc hoàn tất các thủ tục giấy tờ hành chính, Đại úy Tống Văn Ân thấy rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc triển khai thực hiện làm căn cước công dân và đăng ký tài khoản định danh điện tử. Sự tận tình của anh và những cán bộ Công an xã Gari, được bà con nhân dân ghi nhận. 

Chị Pơloong Thị Nga - xã Gari nói: “Cán bộ Công an Ân lên hướng dẫn điền tờ căn cước công dân, thật sự đối với bà con việc làm này rất là hữu ích, thuận lợi để bà con làm giấy tờ mà không nhất thiết lên đến xã, cứ làm trực tiếp tại nhà.  Anh Ân là một người thân thiện, gần dân, giúp dân”. Già làng B’ríu Bênh, xã Gari vui vẻ nói thêm: “Đồng chí Ân hết sức nhiệt tình và gắn bó với nhân dân, bà con. Người Cơ tu không phân biệt người Kinh, coi như là anh em ruột thịt”.

Sau giờ làm việc, Đại uý Tống Văn Ân tranh thủ mọi kênh thông tin để có thể đưa các chủ trương, chính sách tiếp cận với bà con, đặc biệt là những bạn trẻ Cơ tu đang sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội ngày càng nhiều. Đó là lý do, anh đề xuất tạo lập và quản lý trang Facebook Công an xã Gari. 

Đại úy Tống Văn Ân nhắc nhở người dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Đại úy Tống Văn Ân nhắc nhở người dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.


Chị Alăng Thị Lương, người dân xã Gari nói: “Em cũng tham gia vào trang Công an xã Gari và đã theo dõi rất nhiều, các bài viết rất hữu ích, cập nhật tình hình về an ninh trật tự, về tình hình các hoạt động của Công an”.

Xây dựng được mối liên hệ mật thiết với già làng và bà con địa phương, trong 02 năm điều động về xã biên giới Gari, Đại uý Tống Văn Ân đã phát huy được năng lực, sở trường của mình, góp phần tạo nên những thay đổi cho vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Đại uý Tống Văn Ân vui vẻ nói về kỷ niệm đáng nhớ: “Bản thân tôi rất vui vì được bà con yêu mến, khi biết được tôi chưa có gia đình, mỗi lần xuống bản bà con đồng bào cũng nhận tôi là con, và giới thiệu có con gái lớn muốn gả để cho tôi hết bị “ế”. Sau 02 năm công tác về Ga ri, tôi muốn đường sá thuận lợi hơn để bà con thông thương và nhiều người đến đây thu mua nông sản cho bà con để bà con có kinh tế hơn để phát triển và bảo vệ biên giới”.

Biên giới Tổ quốc đã gần hơn trong trái tim của những cán bộ công an như Thượng úy Hà Văn Tuấn, Đại uý Tống Văn Ân. Bởi không biết tự khi nào, họ đã trở thành những người con của bản, làng. Mỗi ngày trôi qua, trong những bước chân của các anh, có niềm tin và sự cống hiến, để bảo vệ chủ quyền và sự phát triển của vùng biên Việt - Lào, nơi dãy Trường Sơn hùng vĩ./.

Xuân Mai
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website