Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

14/12/2021
Sáng 14/12/2021, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị trực tiếp tại đầu cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các Đại sứ, Tổng Lãnh sự; cán bộ các cơ quan liên quan và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…
 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị.

 

Về phía Đoàn đại biểu Đảng ủy Công an Trung ương dự Hội nghị tại Hội trường Diên Hồng có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. 
 
Tại điểm cầu Đảng ủy Công an Trung ương, có các đồng chí lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ, các đơn vị trực tiếp làm công tác đối ngoại thuộc Bộ Công an. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị.

 

Tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tập trung vào giai đoạn 5 năm vừa qua (2016 - 2021), từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đồng chí khẳng định, trong tổng thể các thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của đối ngoại và hội nhập quốc tế. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện nổi bật trên các mặt lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế để triển khai đồng bộ đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, nâng tầm quan hệ với các đối tác; đồng thời đưa các mối quan hệ này ngày càng phát triển đi vào chiều sâu trên cơ sở tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về thành tựu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 

Đối ngoại góp phần tạo dựng và duy trì vững chắc môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đối ngoại đa phương và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng được đẩy mạnh, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước. Đối ngoại góp phần thu hút nguồn lực to lớn từ bên ngoài để phát triển đất nước. Các lĩnh vực công tác đối ngoại như ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực cả về chủ trương, chính sách cũng như trên thực tiễn. Đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ trên tất cả các trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực: Chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ…, từ Trung ương đến địa phương. Cơ chế phối hợp trong công tác đối ngoại ngày càng hoàn thiện. 
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận của các đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng lãnh đạo các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng… 
 
Toàn cảnh Hội nghị.

 

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Trung tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng đã có bài phát biểu tham luận tại Hội nghị với chủ đề “Phát huy vai trò đối ngoại Công an nhân dân, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”. Theo đó, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch về vấn đề này… Đến nay, Bộ Công an đã có quan hệ với 162 cơ quan thực thi pháp luật của 64 quốc gia và một số vùng lãnh thổ; đã thiết lập quan hệ nhiều mặt với cơ quan thực thi pháp luật các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; tham gia hoạt động trong 52 tổ chức, diễn đàn hợp tác quốc tế đa phương; đàm phán, ký kết trên 150 văn bản hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm… Lực lượng Công an đã tích cực tham gia hoạt động đối ngoại của đất nước nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc và an ninh quốc gia; tích cực truyền tải thông điệp về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam, công dân Việt Nam ở nước ngoài; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các hội nghị, đoàn khách quốc tế, cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế…
 
Lực lượng Công an nhân dân xác định lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền lợi của người dân đi đến đâu thì an ninh, trật tự được bảo đảm đến đó. Do đó công tác bảo đảm an ninh, trật tự không phải chỉ giới hạn phạm vi lãnh thổ biên giới quốc gia, mà là những vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, vấn đề quốc tế mà nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế có trách nhiệm trong đó có vai trò, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhân dân… Thông qua công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, lực lượng Công an nhân dân đã tạo được thế trận vững chắc, nâng cao tiềm lực, vị thế của Công an Việt Nam. Hợp tác an ninh cùng với hợp tác quốc phòng trở thành trụ cột trong quan hệ giữa Việt Nam với nhiều nước; sự tin cậy chính trị từ kết quả hợp tác an ninh tạo điều kiện mở rộng và phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, hiệu quả.
 
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tham luận tại Hội nghị.

 

Để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, lực lượng Công an quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 “Công an đi làm đối ngoại, có điều kiện để nói thẳng, giải quyết được nhiều vấn đề, là cái mới, sắp tới phải phát huy lên”. Đồng thời, tiếp tục mở rộng, đồng thời nâng cao hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật các nước, các tổ chức quốc tế đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực. Tích cực tham gia các thể chế chính trị - an ninh, hoạt động trên các diễn đàn đa phương, chủ động phối hợp với các đối tác tham gia giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự mang tính toàn cầu… Chủ động công tác nắm tình hình, đánh giá chính sách của các nước, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các giải pháp ứng phó hiệu quả với các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, diễn biến, xu hướng mới nổi lên. Củng cố vững chắc phòng tuyến an ninh từ xa, từ ngoài biên giới lãnh thổ; xử lý có hiệu quả những thách thức đối với an ninh, đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia từ nơi xuất phát...https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/phat-huy-vai-tro-doi-ngoai-cong-an-nhan-dan-gop-phan-thuc-day-hoi-nhap-quoc-te-toan-dien-sau-rong-t30675.html
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng mới đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”… 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

 

Đề cập đến các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nêu lên một số nội dung lớn liên quan đến công tác đối ngoại. Theo đó, cần tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại… Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước. Trong đó, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của ta phù hợp với luật pháp quốc tế… Phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương. Mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà nước ta đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực...
 
Hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội trên thế giới và khu vực, nhất là trước tác động như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và sự nguy hại của dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Để hoàn thành được những nhiệm vụ nêu trên, phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó liên quan đến nội dung về đào tạo đội ngũ cán bộ… 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trước đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ, chúng ta cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bả lĩnh chính trị, đặc biệt là bản lĩnh chính trị. Các đồng chí phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’, vướng vào tham nhũng, tiêu cực. Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
 
Trong bài phát biểu, dẫn chiếu hình ảnh cây tre Việt Nam, mềm mại, nhưng rất kiên cường như tính cách của con người, dân tộc Việt Nam linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh quan điểm về “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại và ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc và trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam”.
Phan Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website