Nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

11/07/2023
Hiện nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang có diễn biến phức tạp. Mặc dù các lực lượng chức năng đã có những cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, nhưng tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn đang có xu hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và toàn xã hội để ngăn chặn loại tội phạm này.

Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, cơ quan Công an đã phát hiện 13.095 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm 5,2% số vụ phạm pháp hình sự. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, phát hiện 1.670 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 30,67% so với cùng kỳ năm 2022.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng một trong những nguyên nhân chính được xác định đến từ nhận thức của người dân. Nhiều người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, chưa được cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo, cả tin, hám lợi, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng mạo mạo danh ngân hàng để dẫn dụ người dân mất cảnh giác sập bẫy lừa đảo.


Hiện nay, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hình thành các nhóm đối tượng chính sau: 

- Nhóm các đối tượng sử dụng tổng đài ảo (VoIP) giả danh Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát... để hù dọa nạn nhân sau đó cung cấp tài khoản để nạn nhân chuyển tiền kiểm tra rồi chiếm đoạt. 

-Nhóm các đối tượng sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...) làm quen với nạn nhân rồi tán tỉnh, yêu đương, hứa hẹn tặng tiền, quà có giá trị rồi phối hợp với đối tượng người Việt giả danh nhân viên hải quan, sân bay lừa đóng thủ tục hải quan, thuế để nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản chúng chỉ định rồi chiếm đoạt. 

- Nhóm các đối tượng lợi dụng kẻ hở trong thương mại điện tử, giả mạo giấy tờ, tài liệu rồi làm giả thẻ ngân hàng hoặc vay ngân hàng, hoặc mua sắm trên các trang thương mại điện tử, giao dịch mua bán thông qua các tài khoản mạng xã hội... rỗi chiếm đoạt tải sản. 

- Nhóm các đối tượng chiếm đoạt quyền sử dụng mạng xã hội, sau đó cung cấp thông tin giả, lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội chuyển tiền rồi chiếm đoạt. 

Các nhóm lừa đảo này nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, các đối tượng công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng…Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng được các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi. 

Lực lượng Công an cơ sở phát tờ rơi tuyên truyền cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.


Có thể thấy, công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này đang gặp nhiều khó khăn do đặc thù hoạt động trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng các địa chỉ truy cập ảo, sử dụng giao thức VoIP cũng như kết nối, giao tiếp với bị hại qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber...

Các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi thông tin điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, nơi cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện, tố giác hoặc cơ quan chức năng theo dõi, chúng xóa bỏ dữ liệu, hủy bỏ thiết bị, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định đối tượng phạm tội cũng như quá trình củng cố, thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.

Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự liên kết của đối tượng trong nước và đối tượng người nước ngoài, hoạt động phạm tội được thực hiện cả trong nước và trên lãnh thổ nước khác. Kết quả phối hợp xác minh thu thập thông tin, tài liệu, củng cố chứng cứ thông qua hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm nói chung và tương trợ tư pháp hình sự nói riêng còn hạn chế, kéo dài…

Cùng với đó hành lang pháp lý quy định về tiền “ảo”, tiền kỹ thuật số và các hình thức giao dịch liên quan tiền “ảo”, tiền kỹ thuật số chưa được ban hành. Các quy định về dịch vụ mạng Internet, mạng viễn thông, dịch vụ ngân hàng tạo thuận lợi cho Nhân dân đăng ký, sử dụng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng cũng là điều kiện để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động và đối phó với sự phát hiện, đấu tranh của cơ quan chức năng...

 

Cán bộ Công an làm việc với đối tượng lợi dung không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Để đấu tranh với loại tội phạm này, thời gian qua Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát hình sự đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ giữa Cục Cảnh sát hình sự và Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đấu tranh khám phá thành công nhiều chuyên án, bắt giữ nhiều đối tượng là người Việt Nam và người nước ngoài.

Điển hình Tháng 1/2023, Công an thành phố Thái Bình phát hiện đường dây lừa đảo hoạt động phạm tội có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao, móc nối với người nước ngoài hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam ở trong nước với quy mô lớn, với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 19 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tháng 3/2023, Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an Đà Nẵng, Quảng Trị tích cực điều tra, bắt giữ nhóm 06 đối tượng đều ở tỉnh Quảng Trị đã thực hiện hành vi chiếm quyền quản trị Facebook, Zalo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 1/2023, các đối tượng trong nhóm đã chiếm quyền sử dụng nhiều tài khoản Facebook, Zalo, lừa đảo hàng trăm bị hại trên địa bàn cả nước. Trong đó có bị hại tại tỉnh Quảng Nam với tổng giao dịch chuyển tiền vào các tài khoản lên đến gần 2 tỷ đồng.

Tháng 5/2023, Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 07 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và đưa hối lộ. Với thủ đoạn lừa đảo giới thiệu chương trình “tặng” thực phẩm chức năng cho bệnh nhân, các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 3.000 người dân trên địa bàn toàn quốc (chủ yếu là người lớn tuổi, có tiền sử mắc một số bệnh xương khớp, bệnh tiểu đường .... ) với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 25 tỷ đồng. 

 Các đối tượng liên quan đến vụ án sử dụng công nghệ cao, móc nối với người nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ vào tháng 1/2023.


Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. 

Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.

Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung lực lượng, chủ động rà soát, nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng hình sự, các băng nhóm có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, lập hồ sơ quản lý, đấu tranh, xử lý các đối tượng. Phối hợp kịp thời trong công tác điều tra, truy tố, xét xử công khai đối với các vụ án đã được phát hiện để răn đe, giáo dục và tuyên truyền cho Nhân dân biết.

Đồng thời chủ động rà soát, nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến công tác phòng ngừa, xử lý tội phạm trên không gian mạng. Xây dựng cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông, các ngân hàng trong trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm trên không gian mạng.

 

Ban Biên tập
Tin mới
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website