Tập trung khắc phục sự cố sạt lở đất tại tỉnh Hà Giang và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở

13/07/2024
Lượt xem: 770
Ngày 13/7/2024, Bộ Công an có Công điện số 04/CĐ-BCA-V01 yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Viện Khoa học hình sự; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Kế hoạch và tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận; Cục Viễn thông và cơ yếu; Cục Y tế; Cục Truyền thông Công an nhân dân và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn về việc tập trung khắc phục sự cố sạt lở đất tại tỉnh Hà Giang và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở.

Nội dung Công điện nêu rõ:

Sáng ngày 13/7, trên tuyến Quốc lộ 34 thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã xảy ra sự cố sạt lở đất vào xe khách lưu thông (tính đến 12h00' ngày 13/7, sự cố sạt lở đã làm ít nhất 11 người chết, 04 người bị thương nặng). Ngay sau khi được tin báo, lực lượng Công an đã khẩn trương bố trí lực lượng, phương tiện đến hiện trường và triển khai công tác, bước đầu đã tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân và khắc phục hậu quả.

Thực hiện Công điện số 67/CĐ-TTg ngày 13/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố sạt lở đất tại tỉnh Hà Giang và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở; lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Công an tỉnh Hà Giang phối hợp với Công an tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Tuyên Quang, các đơn vị, địa phương có liên quan: (1) Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức tìm kiếm cứu nạn những người còn mất tích, triển khai khắc phục nhanh hậu quả sự cố, sạt lở, tổ chức cứu chữa người bị thương; (2) Triển khai các biện pháp nghiệp vụ hỗ trợ xác định danh tính các nạn nhân còn mất tích (nếu có); (3) Nắm chắc các địa bàn, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm dễ sạt lở để chủ động bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông và các hoạt động đi lại của Nhân dân, tránh để xảy ra những hậu quả sạt lở làm thiệt hại về tính mạng và tài sản; (4) Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn.

2. Tổ chức thực hiện, bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống phòng, chống thiên tai, xử lý ngay tại cơ sở các vấn đề về an ninh, trật tự, không để xảy ra nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của Nhân dân. Lực lượng Công an cơ sở, lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở triển khai ngay các phương án, biện pháp ứng phó, phòng, chống thiên tai; tham mưu chính quyền địa phương khẩn trương sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

3. Triển khai, thực hiện ngay các kế hoạch, phương án, biện pháp để kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới, không để bị động, bất ngờ; trong đó thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau: (1) Bảo đảm tốt công tác an ninh, trật tự tại cơ sở; (2) Nắm chắc địa bàn, nắm hộ, nắm người để đảm bảo, bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân; (3) Đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông trên toàn tuyến, kiên quyết không cho lưu thông khi có thiên tai gây mất an toàn, đặc biệt là những địa bàn bị sạt lở và đe dọa bị sạt lở; (4) Bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra; (5) Đảm bảo an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia.

4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Tổ chức thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và tuyên truyền hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Các đơn vị chức năng của Bộ (K02, C07, C08, C09, C10, H01, H02, H03, H04, H06) sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc men, y tế, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương trong trường hợp cần thiết; có phương án bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với thiên tai, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh, tai nạn thương tích trong và sau thiên tai; thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường, nhận dạng nạn nhân (căn cứ yêu cầu công tác).

6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Bộ theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website