KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG XÂY DỰNG PHONG TRÀO BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC (16/6/1967 - 16/6/2022) - KỲ I

17/05/2022
Lượt xem: 4958
Hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (16/6/1967 - 16/6/2022). Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành và những thành tích, chiến công, đóng góp quan trọng của lực lượng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.


Quán triệt những tư tưởng, nguyên lý cơ bản chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa truyền thống đoàn kết qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và thực tiễn cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò, sức mạnh vô địch của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung và bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) nói riêng: Nhân dân là gốc; đoàn kết toàn dân là nền tảng sức mạnh, là động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân, lực lượng và thế trận an ninh nhân dân”; “Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn từ thực tiễn cách mạng Việt Nam là: “… sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính Nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”, “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân... Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Nguyễn Văn Tá, Trưởng ban Bảo vệ dân phố khối 30, Đống Đa, Hà Nội nhân dịp Xuân Giáp Thân năm 1964, (ảnh tư liệu).


Nhất quán quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”: Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Chỉ thị số 186-CT/TW ngày 17/02/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ:  “Phong trào bảo vệ trị an là một cuộc vận động quần chúng rộng rãi, nhằm giáo dục quần chúng đảm đương lấy sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ an toàn cho đời sống hàng ngày. Đó là hình thức tốt nhất để phát huy tính tích cực của quần chúng trong công tác đấu tranh chống kẻ địch, để giữ gìn trật tự chung”. Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 11/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nêu rõ: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, nhằm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân…”. Điều đó khẳng định sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, các đoàn thể chính trị trong sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. 

Quán triệt những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn khẳng định: Sức mạnh của Công an nhân dân bắt nguồn từ sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những phong trào cách mạng của Đảng, là nội dung quan trọng của “Biện pháp vận động quần chúng”, là biện pháp cơ bản, chiến lược của ngành Công an. Làm tốt công tác vận động quần chúng là điều kiện cơ bản để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ ANTT; để tập hợp, thu hút, hướng dẫn, nâng cao năng lực của Nhân dân trong việc giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT… tạo thế trận phòng ngừa xã hội, làm nền tảng và tạo điều kiện cho lực lượng Công an tập trung triển khai sâu rộng phòng ngừa nghiệp vụ, phòng chống tội phạm, xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh. 

 
Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của lực lượng Công an cách mạng luôn gắn liền với những hình thức, tổ chức và tập hợp quần chúng thành các phong trào cách mạng rộng lớn, đem lại sức mạnh để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua những khó khăn, thách thức, có lúc hiểm nghèo, giữ vững thành quả cách mạng; thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc; tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

- Trước Cách mạng Tháng 8/1945, các phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân phát triển dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú vừa bí mật, vừa công khai trên khắp các địa bàn nông thôn, thành thị, nhà máy, đấu tranh với mục tiêu dân tộc, dân chủ. Các đội tự vệ được thành lập để bảo vệ Nhân dân trong quá trình đấu tranh cách mạng, như “Đội tự vệ đỏ” trong cao trào Xô Viết Nghệ tĩnh (1930 - 1931) được thành lập để hỗ trợ, bảo vệ quần chúng nổi dậy, phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ các phiên tòa xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn ANTT ở những nơi có chính quyền Xô Viết. 

- Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, lực lượng Công an cách mạng tuy còn non trẻ, song đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối quần chúng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, dựa vào Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc để tuyên truyền vận động Nhân dân hăng hái tham gia các tổ chức như: “Việt Dũng thanh niên đoàn”, “Việt nữ đoàn”, “Cảnh sát danh dự không lương”... sát cánh cùng lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT, đấu tranh quyết liệt với các thế lực thù địch, các loại phản động và tội phạm, bảo vệ an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập (02/9/1945), bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước sự đe dọa của thù trong, giặc ngoài trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị Bảo vệ trị an miền núi năm 1963, (ảnh tư liệu).


- Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội nhân dân, đoàn, hội kháng chiến tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo, tổ chức vận động Nhân dân thực hiện cuộc vận động với khẩu hiệu “3 không”, nội dung phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền chiến lược: Ở vùng căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do là: “Không nghe, không biết, không thấy; ở vùng địch tạm chiếm là: Không làm việc cho địch, không bán lương thực cho địch, không chỉ đường cho địch”. Ở Nam Bộ phát động Nhân dân tham gia phong trào “Ngũ gia liên bảo” để bảo vệ ANTT thôn, xóm. Các cuộc vận động trên đã nâng cao cảnh giác cách mạng cho Nhân dân, “bưng tai bịt mắt quân thù” và đã nhanh chóng phát triển ra toàn quốc thành phong trào “Phòng gian bảo mật” với nội dung cụ thể: Bảo vệ bí mật, tài sản của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nội bộ, bảo vệ trị an xã hội. Nhân dân đã giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại của địch và âm mưu lập “Xứ Nùng”, “Xứ Thái”, “Xứ Mường” tự trị... ở miền núi phía Bắc và lập “Nước Tây Kỳ tự trị”, “Nước Nam Kỳ tự trị” ở phía Nam... đỉnh cao là góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ, lập lại hoà bình ở Đông Dương.

- Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Lực lượng Công an đã tham mưu phục vụ Đảng, Chính phủ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo tổ chức vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ ANTT, xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTT ở cơ sở: Ở miền Bắc, Trung ương Đảng phát động phong trào “Bảo vệ trị an” ở ngoài xã hội và mở cuộc vận động “Bảo mật phòng gian” trong các cơ quan, xí nghiệp; Chính phủ ban hành thông tư về thành lập các tổ chức Bảo vệ cơ quan, xí nghiệp. Ở miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Bảo mật phòng gian” ở cả 3 vùng chiến lược và thành lập “Hội đồng bảo vệ an ninh xã, ấp” . Phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật phòng gian” phát triển mạnh mẽ, gắn kết với phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện, như các xã: Yên Phong (Ninh Bình), Hưng Khánh (Hưng Yên), Thanh Bình (Lào Cai), Quang Chiểu (Thanh Hóa); Khối 30, khu Đống Đa (Hà Nội)… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Phong trào Bảo vệ trị an đối với Nhân dân phải trở thành vườn hoa, đối với địch phải trở thành hầm chông. Phải ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào “Bảo vệ trị an”. 

Bộ trưởng Phạm Hùng gặp gỡ các đại biểu dự “Hội nghị tổng kết kinh nghiệm xây dựng điển hình và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ 1984 - 1985”, (ảnh tư liệu).


- Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT phục vụ nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, ngày 16/6/1967, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 426/QĐ về việc thành lập “Phòng theo dõi phong trào Bảo vệ trị an và Xây dựng lực lượng Công an xã” gọi tắt là “Phòng theo dõi xã”, đây là tổ chức chuyên trách đầu tiên tham mưu giúp Bộ trưởng chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện phương hướng, nội dung, biện pháp vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh chống mọi âm mưu hoạt động của bọn phản cách mạng, các loại tội phạm khác và chỉ đạo việc xây dựng lực lượng Công an xã.

- Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), Bộ Công an tham mưu Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động Nhân dân tham gia bảo vệ ANTT trong toàn quốc thành phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời lực lượng Công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ cấp uỷ Đảng, chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phong trào đã có bước phát triển khá sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, cụ thể của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn cụ thể; nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc được nhân rộng trong toàn quốc. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website