Theo đó, các đối tượng đã lợi dụng việc mở tài khoản chứng khoán một cách dễ dàng, không kiểm soát, rồi thuê, nhờ người khác đứng tên mở hộ tài khoản để sử dụng mua bán, tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lợi bất chính.
Lợi dụng sơ hở trong quá trình kiểm soát vay vốn theo hình thức hợp tác đầu tư, lợi dụng Công ty chứng khoán và Công ty thứ ba để lách luật ký hợp đồng cho khách hàng vay (dưới hình thức hợp tác đầu tư góp vốn khác) với lãi suất hưởng cố định để thu lợi, từ đó các đối tượng có nguồn tiền giao dịch, mua bán, đẩy giá, thao túng mã chứng khoán để thu lợi bất chính.
Sử dụng thủ đoạn tinh vi bằng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán và tài chính, để biến một doanh nghiệp có thể tự “tăng vốn” mà không cần cổ đông phải góp thêm bất cứ một đồng tiền thật nào, nhằm nâng khống vốn điều lệ công ty để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính. Nhiều đối tượng còn đứng sau các công ty, doanh nghiệp thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá; thao túng thị trường chứng khoán... gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Các đối tượng cũng triệt để lợi dụng việc thiếu kiểm soát hoạt động mạng xã hội, thành lập nhiều nhóm, hội kín để hô hào, kích động, lôi kéo nhà đầu tư, từ đó điều khiển tâm lý và thao túng thị trường, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư…
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục kiểm tra, xác minh, làm rõ các đối tượng, hành vi có dấu hiệu “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cùng các hành vi tương tự để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn, tạo niềm tin, tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư. Đồng thời, xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng chứng khoán xảy ra thời gian qua, theo quy định tại khoản 1, Điều 34, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 đối với cá nhân, pháp nhân.
Qua công tác điều tra, căn cứ vào nguyên nhân và điều kiện phạm tội, Bộ Công an kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan cần áp dụng một số biện pháp khắc phục và phòng ngừa như sau:
Cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô để ổn định tâm lý nhà đầu tư, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư.
Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.
Để ngăn chặn tình trạng tăng “vốn ảo”, các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đặc biệt sửa đổi bổ sung quy định pháp luật, cấm doanh nghiệp uỷ thác đầu tư bằng vốn doanh nghiệp đối với cá nhân là cổ đông của chính doanh nghiệp hoặc cá nhân tổ chức có liên quan đến cổ đông của doanh nghiệp.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định cụ thể, rõ về thời hạn hoàn góp vốn của cổ đông đối với trường hợp doanh nghiệp tăng vốn; quy định về trách nhiệm, cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân (ngoài cơ quan quản lý nhà nước) đối với các hoạt động liên đến vốn quan điều lệ của doanh nghiệp; quy định chức năng, nhiệm vụ giám sát của cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý, nhằm loại trừ trường hợp có sự cấu kết, thông đồng, cố tình làm ngơ, bao che của một bộ phận cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nhà nước…