Các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại đến máy điện thoại di động hoặc máy bàn của nạn nhân, giả danh là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán... đang thụ lý điều tra vụ án hình sự. Chúng nói nạn nhân (hoặc người nhà nạn nhân) hiện đang liên quan đến vụ án. Nếu có tiền trong tài khoản thì phải gửi vào số tài khoản của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để bảo đảm an toàn. Khi nào kết thúc điều tra thì nạn nhân sẽ nhận lại tiền, rồi chúng cho số tài khoản. Nhiều người vì cả tin đã đem tiền trong tài khoản của mình chuyển sang số tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau đó, số tiền đó đã bị rút hết; người chuyển tiền trở thành bị hại đã bị "mắc bẫy" lừa đảo.
|
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cao Bằng triển khai công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo. |
Thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...) tìm kết bạn, đặc biệt là những người xưng danh là người nước ngoài hoặc Việt kiều, sau khi làm quen và thấy ăn ý, các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý thích tìm bạn là người nước ngoài, Việt kiều, giàu có... của nạn nhân (thường là nữ giới) để lừa đảo. Thủ đoạn chúng thường sử dụng để lừa đảo là muốn kết bạn thân hoặc xây dựng gia đình với người bạn mới (là nữ người Việt Nam); để có cuộc sống kinh tế và tình cảm ổn định lâu dài, chúng sẽ gửi thùng hàng qua đường hàng không, đường biển, chụp ảnh cho nạn nhân xem trong thùng hàng có nhiều hàng hóa quý đắt tiền, có nhiều đô la... để gây lòng tin. Sau đó, chúng cho người thông báo là hàng đã đến Việt Nam nhưng do vướng mắc thủ tục hải quan nên để lấy được hàng phải nộp lệ phí. Nạn nhân tin tưởng thùng hàng, tiền đó sẽ là của mình, số tiền lệ phí không là bao nhiêu so với giá trị thùng hàng nên đã gửi tiền vào tài khoản do chúng cung cấp. Rồi chúng yêu cầu tiếp tục gửi tiền với nhiều lý do, các lần gửi tiền sau cao hơn các lần gửi tiền trước. Đến khi nạn nhân phát hiện ra bị lừa đảo thì đã mất rất nhiều tiền.
Thời gian qua, khi có người dân đến trình báo hoặc có tin báo, tố giác về tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng đã làm các công tác phân loại, xác minh ban đầu; kịp thời báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để chỉ đạo; đồng thời phối hợp các ngành chức năng, Công an một số tỉnh xác minh, điều tra tin báo, tố giác về tội phạm. Chiêu thức sử dụng mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới song bức xúc, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trên gồm một hoặc nhiều nhóm đối tượng khác nhau, thực hiện hành vi lừa đảo có tính chất chuyên nghiệp, có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng và câu kết với các đối tượng người Việt Nam ở trong nước hoặc nước ngoài để thực hiện hành vi phạm tội.
Hiện, Công an tỉnh đang thụ lý một số vụ lừa đảo kiểu này, để tránh bị lừa, người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, tránh các cám dỗ đánh vào lòng tham con người.
|
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cao Bằng tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm lừa đảo. |
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm lừa đảo nêu trên, Công an tỉnh Cao Bằng phối hợp với các Ngân hàng trên địa toàn tỉnh thông báo, niêm yết các thủ đoạn nêu trên tại các điểm giao dịch Ngân hàng trên địa bàn để người dân khi đến giao dịch biết để phòng tránh. Đồng thời, đề nghị các điểm giao dịch Ngân hàng đóng trên địa bàn huyện, thành phố khi có khách hàng đến chuyển tiền qua tài khoản thì phải nhắc nhở khách hàng xem kỹ thông báo của cơ quan Công an để tránh bị lừa đảo mất tiền; đề nghị cán bộ công chức, viên chức, quần chúng nhân dân đề cao cảnh giác tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.