BẢO ĐẢM AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ - Kỳ 3: Một số vấn đề đặt ra và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới

26/02/2024
Việc nhận diện các yếu tố ảnh hưởng, tác động tới công tác xây dựng lực lượng Công an cơ sở trong thời gian tới không chỉ tạo cơ sở khoa học để đưa ra các chủ trương, chính sách về xây dựng lực lượng Công an cơ sở mà quan trọng hơn còn góp phần giúp Công an các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) tại địa bàn.
Cán bộ Công an xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận tố giác tội phạm.

 

Thiếu tướng, TS Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an chia sẻ: “Nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng liên quan trực tiếp đến địa bàn cơ sở thời gian tới tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp, đa dạng. Hiện nay, tại địa bàn cơ sở, tình hình ANTT tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các vụ việc khiếu kiện, tố cáo, mâu thuẫn xã hội phức tạp, có xu hướng xung đột, tụ tập đông người liên quan đến đất đai, quản lý, thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, di dân tái định cư, quá trình đô thị hóa… Tội phạm chống người thi hành công vụ xảy ra manh động, liều lĩnh hơn; tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn rất phức tạp; tình trạng thất nghiệp gia tăng phát sinh nhiều vấn đề xã hội như tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc, trộm cắp và các loại tội phạm khác”. 

Dựa theo tổng hợp báo cáo tình hình ANTT và công tác phòng, chống tội phạm của Bộ Công an giai đoạn 2010 - 2020, số lượng vụ phạm pháp hình sự địa bàn cơ sở chiếm hơn 51% tổng số vụ của toàn quốc. Hiện nay, Bộ Công an đang quyết liệt triển khai công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH. Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng lực lượng Công an xã nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần chuyển hóa địa bàn cơ sở phức tạp thành ít phức tạp và tiến tới an toàn về ANTT.

Lực lượng Công an xã, Bộ đội biên phòng và dân phòng tham gia tuần tra, kiểm tra khu vực biên giới Việt Nam - Lào.​

 
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Chủ trương này đã và đang đặt ra cho lực lượng CAND những yêu cầu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi lực lượng CAND phải có tổ chức vững mạnh, đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ và am hiểu sâu sắc về kiến thức khoa học kỹ thuật, pháp luật, đối ngoại, ngoại ngữ, tin học…; trong đó, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực nghiệp vụ cho lực lượng Công an cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng CAND.

Thượng tá, TS Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng khoa Luật Học viện An ninh nhân dân cho biết: Công tác xây dựng lực lượng CAND trong thời kỳ hội nhập phải gắn chặt với quá trình củng cố, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Theo lộ trình, Nhà nước đang thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã thì đơn vị hành chính mới thành lập sẽ có phạm vi diện tích nhiều hơn, dân số đông hơn, công việc nhiều và phức tạp hơn. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì khó tránh khỏi việc nâng cấp, chia tách các đơn vị hành chính trong thời gian tới, chưa kể việc sẽ thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đơn vị hành chính cấp xã thường có xu hướng biến động lớn, tác động rõ nét đến công tác quản lý, sử dụng biên chế của lực lượng Công an xã.

Hệ thống pháp luật sẽ ngày càng hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp thẩm quyền về cơ sở, trong đó việc thi hành một số luật có tác động trực tiếp, sâu sắc đến quyền con người, quyền công dân đòi hỏi lực lượng Công an xã phải có trình độ hiểu biết pháp luật, công tác Công an và tinh thần trách nhiệm cao mới có thể vận dụng đúng đắn, hiệu quả thẩm quyền được giao, tránh được các hoạt động xâm phạm quyền con người, quyền công dân.

Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Nguyên Giám đốc Học viện An ninh nhân dân chia sẻ: “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ANQG, đảm bảo TTATXH ở cơ sở trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng CAND theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, giải quyết tốt nhiệm vụ đặt ra đối với công tác xây dựng lực lượng Công an xã, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các nhiệm vụ như quán triệt nghiêm các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chủ trương tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý có liên quan về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an cơ sở phù hợp với đặc điểm, tình hình hiện nay”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu kết luận chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết số 12 của Đảng ủy CATW về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 31/01/2024.

 

Cùng với đó, để tiếp tục xây dựng lực lượng Công an cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là:

(1) Tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ, quyết liệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trong xây dựng lực lượng Công an cơ sở, trọng tâm là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Nghị quyết số 12 của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 11 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

(2) Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ Công an cơ sở yên tâm công tác. Nghiên cứu xây dựng chế độ chính sách phù hợp với tính chất, đặc điểm, tình hình địa bàn cơ sở; đảm bảo cán bộ Công an cơ sở yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

(3) Đổi mới công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ phương tiện và các điều kiện đảm bảo cho lực lượng Công an cơ sở. Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng Công an cơ sở.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn là chủ trương hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn, là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về sắp xếp, bố trí cán bộ, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ công tác Công an trong tình hình mới. Với quyết tâm cao của toàn lực lượng CAND, chắc chắn rằng công tác xây dựng lực lượng Công an cơ sở sẽ tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian tới./.

Trần Đăng Biên - Lê Đức Anh - Lê Minh Phương - Nguyễn Thị Hạnh Quyên
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website