Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị và Nghị định 01 của Chính phủ, với phương châm hành động trong toàn lực lượng CAND là “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, tháng 6/2018 sau khi báo cáo và được Ban Bí thư đồng ý, Bộ Công an đã lựa chọn tỉnh Kon Tum làm thí điểm chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên toàn tỉnh; qua đó rút kinh nghiệm, làm cơ sở thực tiễn để triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã chính quy sau khi Luật CAND năm 2018 có hiệu lực thi hành.
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng Đoàn công tác Bộ Công an có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh, năm 2018. |
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, ở Bắc Tây Nguyên, có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, có đường biên giới dài hơn 290 km giáp Lào và Campuchia, đồng bào dân tộc thiếu số chiếm trên 53%. Đời sống kinh tế của tỉnh còn nghèo, trình độ dân trí thấp, năng lực của đội ngũ Công an xã bán chuyên trách rất yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác; trong khi đó, địa bàn các xã chủ yếu là vùng đồi núi, địa hình chia cắt, giao thông đi lại vất vả, những phức tạp về ANTT khi xảy ra đều bắt nguồn từ đây... nên có thể thấy được nhiệm vụ công tác của lực lượng Công an xã là rất nặng nề và khó khăn.
Đại tá Nguyễn Hồng Nhật, Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum cho biết: Trước yêu cầu trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã tính toán, xây dựng kế hoạch, phương án bố trí, rà soát, lập danh sách cán bộ, chiến sĩ đủ điều kiện thưc hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở địa bàn cơ sở. Và sau thời gian chuẩn bị chu đáo, đến đầu tháng 01/2019, Công an tỉnh Kon Tum đã hoàn thành việc bố trí 100% Công an chính quy về tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. Đến tháng 8/2021, Công an tỉnh Kon Tum đã bố trí cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy tại 85/85 xã trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tối thiếu 05 Công an chính quy/01 xã (đến hết Quý 1/2022, tổng số Công an xã chính quy là hơn 500 đồng chí).
|
Lực lượng Công an chính quy xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. |
Kể từ khi có Công an xã chính quy, diễn biến tình hình tội phạm ở các xã trên địa bàn cơ bản được kiềm chế, không xuất hiện các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, liên tuyến, manh động, nguy hiểm ở các xã; số thanh thiếu niên ít tụ tập, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật; tội phạm liên quan đến tín dụng đen, bảo kê nông, lâm, khoáng sản ở cơ sở... được kiềm chế, ngăn chặn, không còn biểu hiện phức tạp như trước đây. Cùng với chất lượng công tác chuyên môn được nâng cao, trong cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ Công an xã chính quy, với tác phong làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với thái độ cởi mở, cầu thị, gần gũi, biết tương tác với nhân dân... nên việc tiếp xúc, giải quyết công việc hằng ngày với nhân dân ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét và đi vào nề nếp, hơn hẳn so với Công an xã bán chuyên trách trước đây, từ đó tạo dựng được lòng tin của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đối với lực lượng Công an xã chính quy.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kom Tum chia sẻ: “Đánh giá quá trình hoạt động của Công an xã chính quy kể từ khi triển khai đến nay, cơ bản cán bộ, chiến sĩ đã phát huy tốt phẩm chất đạo đức, vượt qua khó khăn, bám sát địa bàn cơ sở, chấp hành nghiêm các quy định về quy trình công tác, điều lệnh CAND. Về công tác chuyên môn, đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ giữ vững ổn định tình hình ANTT trên địa bàn; tăng cường quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội”. Qua nắm dư luận, hầu hết quần chúng nhân dân, cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành đều rất ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ Công an xã chính quy trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, cung cấp nhiều thông tin, tình hình phức tạp về ANTT và tương tác hiệu quả với Công an xã qua các trang mạng xã hội, qua đó góp phần phục vụ tốt hơn công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở.
Kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc về xây dựng tiềm lực Công an xã chính quy ngày 15/3/2021, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đánh giá kết quả ban đầu sau khi điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, lực lượng Công an xã chính quy đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, các chỉ số về an toàn, an ninh, phòng chống tội phạm tại địa bàn xã hầu hết đều có chuyển biến tích cực; công tác nắm tình hình tại địa bàn cơ sở được tăng cường, hiệu quả công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền và hiệu lực quản lý nhà nước về ANTT tại địa bàn xã được nâng cao, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển; các giải pháp, biện pháp công tác của ngành Công an được triển khai tốt và sâu hơn, giải quyết công việc đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để rèn luyện, thử thách cán bộ Công an trong môi trường công tác độc lập ở cơ sở, nâng cao bản lĩnh, năng lực chuyên môn và khả năng dân vận của cán bộ.
|
Đoàn công tác Học viện An ninh nhân dân hỗ trợ kinh phí sửa chữa trụ sở Công an xã Sa Bình và hỗ trợ phương tiện, thiết bị phục vụ công tác cho Công an xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, năm 2023. |
Thượng tá Phạm Hữu Phúc, Trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp, Văn phòng Bộ Công an cho biết: Việc triển khai Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện qua tình hình ANTT tại các xã được bố trí Công an chính quy hầu hết được chuyển biến rõ nét, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật giảm. Bên cạnh đó, chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về bảo vệ ANTT được nâng cao; một số nội dung công tác từ Công an cấp xã đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và giải quyết tốt tình hình ANTT ngay tại cơ sở.
Đặc biệt, trong thời điểm tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong cả nước, lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy đã triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở, đóng góp quan trọng đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, triển khai Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, lực lượng Công an cơ sở đã tích cực, chủ động và có vai trò hết sức quan trọng trong việc làm sạch dữ liệu, cấp thẻ CCCD và định danh điện tử, tiếp nhận, cập nhật thông tin liên quan đến tiêm chủng, an sinh xã hội…, góp phần sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Đề án 06.
Tính đến tháng 5/2022, Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bố trí hơn 48.000 cán bộ Công an xã, thị trấn chính quy tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc. Trong năm 2021 và 2023, Bộ Công an đã tăng cường hơn 750 cán bộ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ về công tác tại các xã biên giới trọng điểm, phức tạp về ANTT. Đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ là đoàn viên, thanh niên, cán bộ nữ đăng ký tình nguyện về công tác tại Công an xã các địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thực hiện nhiệm vụ, xuất hiện nhiều tấm gương Công an xã dũng cảm, không quản ngại nguy hiểm, hy sinh để bảo vệ sự bình yên cuộc sống cho nhân dân. Tuy nhiên, để Công an xã chính quy thật sự trở thành chỗ dựa của nhân dân, làm việc theo phương châm “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”, cần tiếp tục tăng cường, đầu tư xây dựng Công an xã toàn diện về mọi mặt; trong đó, công tác xây dựng lực lượng Công an cơ sở sẽ tiếp tục được xác định là yếu tố then chốt. (Còn tiếp...)
BẢO ĐẢM AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ - Kỳ 3: Một số vấn đề đặt ra và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới